[2019 – 2020] Thi học sinh giỏi lớp 12 – Hồ Chí Minh
Câu 1:(4 điểm)
1.1. Các vận động viên thi đấu môn thể dụng dụng cụ, trước khi thi đấu thường xoa lòng bàn tay vào chất bột màu trắng (MgCO3). Em hãy cho biết tại sao họ làm như vậy ?
1.2. Trong các hang động có nhiều thạch nhũ hình dáng khác nhau, trông lạ và rất đẹp. Đó chính là kết quả lâu dài của sự chuyển hoá lẫn nhau giữa hai muối Ca(HCO3)2 và CaCO3. Tục ngữ có câu “Nước chảy đá mòn” trong đó về nghĩa đen phản ánh cả hiện tượng đá vôi bị hoà tan khi gặp nước chảy. Em hãy giải thích và viết phương trình hoá học mô tả hiện tượng này.
1.3. Có 5 lọ hóa chất được đánh số từ 1 đến 5, mỗi lọ chứa một trong các dung dịch hóa chất sau đây: Na2SO4, (CH3COO)2Ca, Al(NO3)3, NaOH, BaCl2. Chất nào được chứa trong lọ số mấy, khi:
– Dung dịch của lọ số 4 tác dụng với dung dịch của lọ số 3 có kết tủa trắng sinh ra.
– Dung dịch của lọ số 2 tác dụng với dung dịch của lọ số 1 tạo kết tủa trắng, kết tủa này lại tan nếu tiếp tục cho thêm dung dịch của lọ số 2.
– Dung dịch của lọ số 4 tác dụng với dung dịch của lọ số 5 lúc đầu chưa có kết tủa, sau đó tạo kết tủa khi tiếp tục cho thêm dung dịch của lọ số 4.
Viết các phương trình phản ứng.
Câu 2: (4 điểm)
2.1. Cho các chất: metylamin, phenylamin, amoniac, đimetylamin, natri hiđroxit, natri etylat. Sắp xếp theo chiều tăng dần tính bazơ của các chất trên, giải thích.
2.2. Hỗn hợp X gồm 2 chất có công thức phân tử là C3H12N2O3 và C2H8N2O3. Cho 3,40 gam X phản ứng vừa đủ với dung dịch NaOH (đun nóng), thu được dung dịch Y chỉ gồm các chất vô cơ và 0,04 mol hỗn hợp khí Z gồm 2 chất hữu cơ đơn chức, bậc một (đều làm xanh giấy quỳ tím ẩm). Cô cạn Y thu được m gam muối khan. Tìm giá trị của m?
Câu 3: (6 điểm)
3.1. Nung 8,08 gam một muối X thu được các sản phẩm khí và 1,60 gam một hợp chất rắn Y không tan trong nước. Ở một điều kiện thích hợp, hấp thụ toàn bộ sản phẩm khí vào một bình có chứa sẵn 200 gam dung dịch NaOH 1,20% thì thấy phản ứng vừa đủ và thu được dung dịch chỉ chứa một muối duy nhất có nồng độ 2,47%. Xác định công thức phân tử của muối X, biết rằng khi nung muối X thì kim loại trong X không thay đổi số oxi hoá.
3.2. Hoà tan 86,7 gam một oleum X vào nước dư thu được dung dịch H2SO4. Để trung hoà dung dịch H2SO4 ở trên cần 1,05 lít dung dịch KOH 2M. Xác định công thức phân tử của X.
3.3. Hòa tan hoàn toàn 11,6 gam hỗn hợp A gồm Fe và Cu vào 87,5 gam dung dịch HNO3 50,4%, thu được dung dịch X (không có muối amoni) và hỗn hợp khí B (gồm hai sản phẩm khử N+5). Cho 500ml dung dịch KOH 1M vào dung dịch X, thu được kết tủa Y và dung dịch Z. Lọc lấy Y rồi nung trong không khí đến khối lượng không đổi, thu được 16,0 gam chất rắn. Cô cạn dung dịch Z thu được chất rắn T. Nung T đến khối lượng không đổi, thu được 41,05 gam chất rắn. Biết các phản ứng xảy ra hoàn toàn. Tính C% mỗi chất tan trong dung dịch X?
Câu 4: (6 điểm)
4.1. Một hỗn hợp X gồm 3 axit cacboxylic đơn chức, mạch hở A, B, C. Trong đó, A, B là hai chất kế tiếp trong một dãy đồng đẳng (MA < MB), chất C có 2 liên kết pi (π) trong phân tử. Cho 14,8 gam X tác dụng hết với dung dịch NaOH, cô cạn dung dịch sau phản ứng thu được 20,3 gam muối khan. Đốt cháy hoàn toàn 4,44 gam X, thu được 3,36 lít CO2(đktc). Xác định công thức cấu tạo các axit A, B, C.
4.2. Một hỗn hợp hai hợp chất hữu cơ đơn chức, mạch hở A, B; cả hai đều tác dụng được với dung dịch NaOH. Khi đốt cháy A hay đốt cháy B thì thể tích khí CO2 và hơi nước thu được đều bằng nhau (đo ở cùng điều kiện). Lấy 16,2 gam hỗn hợp trên cho tác dụng vừa đủ với 100 ml dung dịch NaOH 2M sau đó cô cạn dung dịch ta thu được 19,2 gam hỗn hợp muối khan. Biết A, B có số nguyên tử cacbon trong phân tử hơn kém nhau là 1. Xác định công thức cấu tạo của A, B và tính % khối lượng mỗi chất trong hỗn hợp.
4.3. Este X và chất hữu cơ Y(không chứa chức axit) đều mạch hở và phản ứng với dung dịch NaOH. Đun nóng m gam hỗn hợp E gồm X và Y cần dùng 150 ml dung dịch NaOH 2M, chưng cất dung dịch sau phản ứng thu được 22,2 gam một muối duy nhất của axit cacboxylic có mạch không phân nhánh và hỗn hợp hơi Z gồm 2 chất hữu cơ có cùng số cacbon. Tỉ khối hơi của Z so với H2 bằng 15,85. Tính % theo khối lượng của X, Y trong E.
Bình luận