EDTA (Ethylenediaminetetraacetic acid, H4Y) là phối tử tạo phức mạnh, thường được sử dụng trong y học để điều trị ngộ độc kim loại nặng như chì, thủy ngân và cadmium. Khi bị ngộ độc chì, ion chì (Pb2+) có khả năng tạo phức chất với các enzyme và protein trong cơ thể theo phản ứng đơn giản hóa:
[Pb(H2O)6]2+ + Enzyme → [Pb(Enzyme)]2+ + 6H2O (1)
(X) (Y)
Sự tạo phức của chì với enzyme dẫn đến mất hoạt tính enzyme, gây rối loạn các quá trình sinh hóa, tổn thương tế bào và nhiều hệ cơ quan khác. Khi sử dụng dược chất EDTA (ở dạng muối Na2H2Y), EDTA sẽ tạo phức với Pb2+, giải phóng enzyme:
[Pb(Enzyme)]2+ + H2Y2- → [Pb(Y)]2- + Enzyme + 2H+ (2)
(Y) (Z)
Phức chất [Pb(Y)]2– dễ tan trong nước, sau đó được lọc qua thận và đào thải ra khỏi cơ thể.
a) Phản ứng (1) và (2) đều xảy ra quá trình thế phối tử.
b) X là phức chất aqua của Pb2+ và có điện tích bằng +2.
c) EDTA tạo được phức chất bền với các ion kim loại nặng như Pb2+, Hg2+, Cd2+.
d) Pb2+ tạo phức với enzyme do tạo liên kết ion với các nguyên tử như O, N, S.
Câu trả lời tốt nhất
(a) Đúng, (1) và (2) đều xảy ra quá trình thế phối tử, lần lượt là enzyme thế chỗ H2O rồi Y4- thế chỗ enzyme.
(b) Đúng
(c) Đúng, EDTA tạo được phức chất bền với các ion kim loại nặng như Pb2+, Hg2+, Cd2+ và ngăn các ion này gây hại cho cơ thể, giúp cơ thể có thời gian đào thải.
(d) Sai, Pb2+ tạo phức với enzyme do tạo liên kết cho nhận với các nguyên tử như O, N, S.