Một học sinh tiến hành 2 thí nghiệm:
– Thí nghiệm 1: chuẩn độ dung dịch HCl bằng dung dịch NaOH.
– Thí nghiệm 2: chuẩn độ dung dịch CH3COOH bằng dung dịch NaOH.
Hóa chất: dung dịch HCl và dung dịch CH3COOH (cùng nồng độ mol/L); dung dịch NaOH 0,10M; chất chỉ thị acid-base phù hợp.
Dụng cụ: pipette, burette, bình tam giác.
Các bước tiến hành:
Bước 1: Dùng pipette lấy 10,0 mL dung dịch acid cho vào bình tam giác, nhỏ thêm 2 đến 3 giọt chất chỉ thị vào, lắc đều.
Bước 2: Lấy dung dịch NaOH 0,10M vào burette (loại 25 mL) và điều chỉnh dung dịch trong burette ở mức 0.
Bước 3: Mở khoá burette, nhỏ từ từ dung dịch NaOH vào bình tam giác đựng mẫu acid (lắc đều bình trong quá trình chuẩn độ), đến khi dung dịch chuyển màu đột ngột thì dừng lại, ghi thể tích dung dịch NaOH 0,10M trong burette đã dùng.
a) Để tránh sai số, cần tráng rửa dụng cụ trước khi tiến hành thí nghiệm như sau:
Dụng cụ…. Dung dịch tráng lần 1…. Dung dịch tráng lần 2
Pipette…. nước cất…. dung dịch acid cần chuẩn độ
Burette…. nước cất…. dung dịch NaOH
Bình tam giác…. nước cất…. dung dịch acid cần chuẩn độ
b) Ở bước 1, sau khi cho mẫu acid vào bình tam giác, ở đầu pipette vẫn còn đọng lại 1 lượng nhỏ dung dịch. Để tránh thất thoát mẫu, ta dùng quả bóp cao su để đẩy hết phần thừa này vào bình tam giác.
c) Do [H+] của dung dịch CH3COOH nhỏ hơn [H+] của dung dịch HCl, nên để đạt đến điểm tương đương, ở thí nghiệm 2 cần ít dung dịch NaOH hơn ở thí nghiệm 1.
d) Với cả hai thí nghiệm, để xác định đúng điểm tương đương, chất chỉ thị acid-base phù hợp là methyl da cam (chuyển từ màu đỏ sang màu vàng khi pH tăng từ 3,1 đến 4,4).
Câu trả lời tốt nhất
(a) Sai, những dụng cụ được dùng với mục đích lấy chính xác thể tích một chất lỏng thì cần tráng bằng nước cất sau đó tráng bằng dung dịch mà dụng cụ đó sẽ lấy.
Ở đây bình tam giác chỉ là dụng cụ đựng, việc lấy chính xác thể tích dung dịch acid là nhiệm vụ của pipette, vì vậy không cần tráng bình tam giác bằng dung dịch acid cần chuẩn độ.
(b) Sai, để chất lỏng trong pipette chảy ra tự do, sẽ còn khá nhiều chất lỏng còn đọng ở phần dưới pipette, ta lăn nhẹ đầu pipette vào thành trong của bình tam giác cho chất lỏng chảy ra, nhưng chúng vẫn không chảy ra hết, phần này phải bỏ đi chứ không được dùng quả bóp cao su để thổi xuống.
(Dùng pipette khác nhỏ 1, 2 giọt nước cất vào thành trong của bình tam giác tại vị trí vừa lăn đầu pipette để dung dịch bị cuốn trôi xuống hết).
(c) Sai, hai acid cùng nồng độ, cùng thể tích nên số mol như nhau, khi đó lượng NaOH sẽ tiêu tốn như nhau khi tới điểm tương đương do các phản ứng chuẩn độ có tỉ lệ giống nhau:
HCl + NaOH —> NaCl + H2O
CH3COOH + NaOH —> CH3COONa + H2O
(d) Sai, methyl da cam với khoảng đổi màu khi pH tăng từ 3,1 đến 4,4 sẽ cho kết quả sai do acid còn dư rất nhiều nhưng chất chỉ thị đã ra dấu hiệu dừng chuẩn độ.