Khi thực hiện thí nghiệm, khối lượng dung dịch hoặc bình chứa sẽ thay đổi do phần thêm vào và phần thoát ra khác nhau. Sự thay đổi khối lượng kí hiệu là Δm.
Δm = Lượng thêm vào – Lượng mất đi
Δm > 0: Khối lượng tăng do Lượng thêm vào > Lượng mất đi.
Δm < 0: Khối lượng giảm do Lượng thêm vào < Lượng mất đi.
Δm = 0: Khối lượng không thay đổi.
Khi xác định cái gì thêm vào, cái gì mất đi, việc quan trọng trước tiên là phải xác định được chủ thể của sự thay đổi khối lượng, tức là trả lời cho câu hỏi: Cái gì có khối lượng tăng? Cái gì có khối lượng giảm? (Chủ thể này luôn được nói rõ trong đề bài, chỉ cần chú ý khi áp dụng).
Việc tiếp theo là xác định cái gì đã thêm vào chủ thể đó và cái gì đã mất đi từ chủ thể đó để đưa vào công thức.
Ví dụ 1: Cho thanh sắt vào dung dịch CuSO4, sau một thời gian, khối lượng thanh sắt tăng 12 gam.
Chủ thể: Thanh Fe
Sự thay đổi: Tăng
Cái gì đã thêm vào?: Cu sinh ra bám vào.
Cái gì đã mất đi?: Fe phản ứng, tan ra nên mất đi.
Phương trình: Δm = mCu – mFe phản ứng = 12
Ví dụ 2: Cho thanh kẽm vào dung dịch Cu(NO3)2, sau một thời gian, khối lượng thanh kẽm giảm 0,3 gam.
Chủ thể: Thanh Zn
Sự thay đổi: Giảm
Cái gì đã thêm vào?: Cu sinh ra bám vào.
Cái gì đã mất đi?: Zn phản ứng, tan ra nên mất đi.
Phương trình: Δm = mCu – mZn phản ứng = -0,3
Ví dụ 3: Hấp thụ hoàn toàn hỗn hợp CO2 và hơi nước vào dung dịch Ca(OH)2 thu được kết tủa và khối lượng dung dịch giảm 25 gam.
Chủ thể: Dung dịch
Sự thay đổi: Giảm
Cái gì đã thêm vào?: mCO2 và mH2O
Cái gì đã mất đi?: mCaCO3 (Kết tủa không được tính vào phần dung dịch)
Phương trình: Δm = mCO2 + mH2O – mCaCO3 = -25.
Ví dụ 4: Hấp thụ hoàn toàn hỗn hợp CO2 và hơi nước vào dung dịch Ca(OH)2 thu được kết tủa và khối lượng bình tăng 31 gam.
Chủ thể: Bình
Sự thay đổi: Tăng
Cái gì đã thêm vào?: mCO2 và mH2O
Cái gì đã mất đi?: Không có, do CaCO3 vẫn nằm trong bình.
Phương trình: Δm = mCO2 + mH2O = 31
Th ơi thế trong điện phân thì sao ạ mdd giảm thì lại bằng kim loại sinh ra + m khí sinh ra ạ ?