1 học sinh đã thực hiện thí nghiệm với hồ tinh bột theo các bước sau:
− Bước 1: Cho vào ống nghiệm (ống 1) khoảng 3,0 ml dung dịch hồ tinh bột, thêm tiếp 4,0 ml nước cất và 1,0 ml dung dịch H2SO4 loãng. Đun nóng hỗn hợp các chất phản ứng từ 3 đến 5 phút.
− Bước 2: Sau khi đun nóng từ 3 đến 5 phút, lấy khoảng 0,5 ml dung dịch (dung dịch của ống 1) cho vào ống nghiệm khác (ống 2). Để nguội, nhỏ vài giọt dung dịch I2 (được hòa tan trong cồn) vào ống 2. Nếu thấy xuất hiện màu xanh thì tiếp tục đun ống 1 và tiếp tục thử với dung dịch I2 cho đến khi dung dịch đem thử với I2 (trong cồn) không có màu xanh thì ngừng đun nóng hỗn hợp.
− Bước 3: Để hỗn hợp trong ống 1 nguội, trung hòa axit bằng dung dịch NaOH cho tới môi trường kiềm. Sau đó lấy một ít dung dịch cho vào ống nghiệm (ống 3) để thử tính chất của sản phẩm.
− Bước 4: Tiến hành phản ứng tráng gương (phản ứng với dung dịch AgNO3/NH3) với ống 3 trong điều kiện thích hợp.
Cho các phát biểu sau:
(1) Mục đích cuối cùng của thí nghiệm này là chứng minh tinh bột có cả phản ứng thủy phân và phản ứng tráng gương.
(2) Ở bước 1 có thể thay dung dịch H2SO4 loãng bằng dung dịch NaOH loãng.
(3) Ở bước 2, lấy dung dịch sau khi đun, thử với dung dịch I2 để kiểm tra xem hồ tinh bột đã thủy phân hết chưa.
(4) Có thể dùng phenolphtalein để nhận biết axit H2SO4 đã được trung hòa hết ở bước 3.
(5) Để hiệu suất phản ứng thủy phân ở bước 1 cao hơn ta nên dùng dung dịch H2SO4 98%
(6) Có thể nhỏ dung dịch iot vào ngay sau khi kết thúc bước 1.
(7) Ở bước 4 có thể ngâm ống nghiệm trong cốc nước nóng thì hiệu quả sẽ tốt hơn là đun sôi mạnh trực tiếp với ngọn lửa.
Số phát biểu đúng?
A. 4.
B. 2.
C. 5.
D. 3.
Câu trả lời tốt nhất
(1) Sai, mục đích cuối cùng của thí nghiệm này là chứng minh tinh bột có phản ứng thủy phân và sản phẩm thủy phân có phản ứng tráng gương.
(2) Sai, tinh bột không bị thủy phân trong môi trường kiềm.
(3) Đúng, dùng I2 để kiểm tra, có màu xanh tím thì còn tinh bột, không có màu xanh tím thì tinh bột đã hết.
(4) Đúng, nhỏ từ từ dung dịch NaOH vào đến khi màu hồng xuất hiện thì axit đã hết.
(5) Sai, H2SO4 đặc háo nước mạnh và oxi hóa mạnh làm tinh bột hóa than.
(6) Sai, phải để nguội mới nhỏ I2 vì I2 không tạo màu với tinh bột khi đang nóng.
(7) Đúng, để Ag bám đều quanh ống nghiệm thì nên ngâm ống vào nước nóng. Đun quá mạnh sẽ làm Ag vón cục.