Cho E (C3H6O3) và F (C4H6O5) là các chất hữu cơ mạch hở. Trong phân tử chất F chứa đồng thời các nhóm -OH, -COO- và -COOH. Cho các chuyển hóa sau:
(1) E + NaOH (t°) → X + Y
(2) F + NaOH (t°) → X + H2O
(3) X + HCl → Z + NaCl
Câu 1. Biết X, Y, Z là các hợp chất hữu cơ. Cho các phát biểu sau:
(a) Chất X có số nguyên tử oxi bằng số nguyên tử hiđro.
(b) Phân tử chất E chứa đồng thời nhóm -OH và nhóm -COOH.
(c) Trong công nghiệp, chất Y được điều chế trực tiếp từ etilen.
(d) Nhiệt độ sôi của chất Y nhỏ hơn nhiệt độ sôi của ancol etylic.
(đ) 1 mol chất Z tác dụng với Na dư thu được tối đa 1 mol khí H2.
Số phát biểu đúng là
A. 4. B. 3. C. 5. D. 2.
Câu 2. Biết X, Y, Z là các hợp chất hữu cơ. Cho các phát biểu sau:
(a) Trong công nghiệp, chất Y được điều chế trực tiếp từ etilen.
(b) Chất F là hợp chất no, chứa gốc metyl trong phân tử.
(c) Chất X có số nguyên tử cacbon bằng số nguyên tử hiđro.
(d) Phân tử chất E chứa đồng thời nhóm –OH và nhóm –COOH.
(e) Nhiệt độ sôi của chất Y nhỏ hơn nhiệt độ sôi của ancol etylic.
(f) 1 mol chất Z tác dụng với Na dư thu được tối đa 1 mol khí H2.
Số phát biểu đúng là
A. 5. B. 3. C. 2. D. 4.
Câu 3. Biết X, Y, Z là các hợp chất hữu cơ. Cho các phát biểu sau:
(a) Đốt cháy hoàn toàn 1,25 mol X cần 42 lít (đktc) O2 (hiệu suất phản ứng 100%).
(b) Phân tử chất E chứa đồng thời nhóm -OH và nhóm -COO-.
(c) Y là chất gây nghiện, có trong thành phần của rượu, bia.
(d) Nhiệt độ sôi của chất Y nhỏ hơn nhiệt độ sôi của anđehit fomic.
(e) Dung dịch Z hòa tan Cu(OH)2 tạo thành dung dịch phức chất màu xanh thẫm.
Số phát biểu đúng là
A. 3. B. 4. C. 1. D. 2.
Câu 4. Biết X, Y, Z là các hợp chất hữu cơ. Cho các phát biểu sau:
(a) Từ Y điều chế trực tiếp được CH3COOH.
(b) Chất X có số nguyên tử oxi bằng số nguyên tử hiđro.
(c) Chất E có khả năng tham gia phản ứng tráng bạc.
(d) Nhiệt độ sôi của chất Y nhỏ hơn nhiệt độ sôi của ancol etylic.
(e) Chất Z tác dụng với dung dịch NaHCO3, sinh ra khí CO2.
Số phát biểu đúng là
A. 3. B. 2. C. 5. D. 4.
Câu trả lời tốt nhất
F (C4H6O5) chứa đồng thời các nhóm -OH, -COO- và -COOH, mặt khác thủy phân F chỉ tạo 1 muối hữu cơ nên F có cấu tạo:
HO-CH2-COO-CH2-COOH
—> X là HO-CH2-COONa
—> E là HO-CH2-COOCH3 và Y là CH3OH
Z là HO-CH2-COOH
Câu 1.
(a) Đúng, X có công thức phân tử C2H3O3Na.
(b) Sai, E chứa -OH và -COO-.
(c) Sai, CH3OH không điều chế trực tiếp từ C2H4 được.
(d) Đúng, Y và C2H5OH cùng dãy đồng đẳng, Y ít C hơn nên nhiệt độ sôi của chất Y nhỏ hơn nhiệt độ sôi của ancol etylic.
(đ) Đúng: Z + 2Na —> NaO-CH2-COONa + H2
Câu 2.
(a) Sai, CH3OH điều chế từ metan hoặc chưng cất gỗ.
(b) Sai, F no, không chứa gốc metyl.
(c) Sai, X có công thức phân tử C2H3O3Na.
(d) Sai, E chứa đồng thời nhóm –OH và nhóm –COO-.
(e) Đúng, Y và C2H5OH cùng dãy đồng đẳng, Y ít C hơn nên nhiệt độ sôi của chất Y nhỏ hơn nhiệt độ sôi của ancol etylic.
(f) Đúng: Z + 2Na —> NaO-CH2-COONa + H2
Câu 3.
(a) Đúng, X là C2H3O3Na:
2C2H3O3Na + 3O2 —> Na2CO3 + 3CO2 + 3H2O
nX = 1,25 —> V = 1,25.1,5.22,4 = 42 lít
(b) Đúng.
(c) Sai, chất gây nghiện có trong rượu, bia là C2H5OH.
(d) Sai, Y có liên kết H liên phân tử nên nhiệt độ sôi của Y cao hơn HCHO.
(e) Sai, Z hòa tan Cu(OH)2 tạo muối (HOCH2COO)2Cu xanh nhạt.
Câu 4.
(a) Đúng: CH3OH + CO —> CH3COOH
(b) Đúng, X là C2H3O3Na
(c) Sai, E không tráng bạc.
(d) Đúng, CH3OH có phân tử khối nhỏ hơn C2H5OH nên CH3OH có nhiệt độ sôi thấp hơn.
(e) Đúng: HO-CH2-COOH + NaHCO3 —> HO-CH2-COONa + CO2 + H2O