Thực hiện thí nghiệm theo các bước sau:
Bước 1: Cho 1 ml dung dịch lòng trắng trứng vào ống nghiệm.
Bước 2: Nhỏ tiếp 1 ml dung dịch NaOH 30% vào ống nghiệm.
Bước 3: Thêm tiếp 1 giọt dung dịch CuSO4 2% vào ống nghiệm, lắc nhẹ.
Câu 1. Cho các phát biểu sau:
(a) Ở bước 3, có xảy ra phản ứng màu biure.
(b) Ở bước 1, có thể thay lòng trắng trứng bằng dầu ăn.
(c) Sau bước 3, dung dịch trong ống nghiệm có màu xanh lam.
(d) Ở bước 2, có thể thay dung dịch NaOH 30% bằng dung dịch KOH 30%.
Số phát biểu đúng là
A. 3. B. 4. C. 1. D. 2.
Câu 2. Cho các phát biểu sau:
(a) Nên đun nóng ống nghiệm từ bước 1 để các phản ứng xảy ra nhanh hơn.
(b) Phản ứng ở bước 2 gọi là phản ứng màu biure.
(c) Ở bước 2, có thể thay 1 ml dung dịch NaOH 30% bằng 1 ml dung dịch KOH 30%.
(d) Ở bước 2, lòng trắng trứng bị thủy phân thành các amino axit.
(e) Sau bước 3, thu được dung dịch đồng nhất có màu xanh đặc trưng.
(g) Ở bước 1, có thể thay dung dịch lòng trắng trứng bằng nước đậu nành.
(h) Ở bước 3, có thể thay dung dịch CuSO4 bằng dung dịch FeSO4.
Số phát biểu đúng là:
A. 2. B. 3. C. 4. D. 5.
Câu trả lời tốt nhất
Câu 1.
(a) Đúng, lòng trắng trứng là protein tan được, có phản ứng màu biure với Cu(OH)2 (vừa được tạo ra do NaOH + CuSO4).
(b) Sai, dầu ăn không có phản ứng màu biure, cũng không phản ứng với NaOH ở nhiệt độ thường.
(c) Sai, dung dịch có màu tím đặc trưng
(d) Đúng, NaOH hay KOH đều có thể trao đổi với CuSO4 để tạo Cu(OH)2, đồng thời tạo môi trường kiềm cho phản ứng màu.
Câu 2.
(a) Sai, đun nóng sẽ làm protein bị đông tụ, khó xảy ra phản ứng màu biure
(b) Sai, bước 2 chưa có phản ứng gì.
(c) Đúng, NaOH hay KOH đều có thể trao đổi với CuSO4 để tạo Cu(OH)2, đồng thời tạo môi trường kiềm cho phản ứng màu.
(d) Sai, ở nhiệt độ thường và trong thời gian ngắn, protein hầu như không bị thủy phân.
(e) Sai, dung dịch có màu tím đặc trưng
(g) Đúng, nước đậu nành cũng chứa protein hòa tan.
(h) Sai, Fe(OH)2 không tạo phức được như Cu(OH)2.