Một học sinh thực hiện thí nghiệm chuẩn độ để xác định nồng độ dung dịch hydrochloric acid (HCl) bằng dung dịch chuẩn sodium hydroxide (NaOH) 0,100 M với chất chỉ thị methyl orange (MO). Biết rằng MO sẽ có màu đỏ trong môi trường có pH < 3,2, màu vàng trong môi trường có pH > 4,4, và màu cam trong khoảng pH từ 3,2 đến 4,4. Để thực hiện chuẩn độ, học sinh này đã cho dung dịch NaOH 0,100 M (trên burette) nhỏ từ từ vào bình tam giác chứa sẵn 10,00 mL dung dịch HCl và 3 giọt dung dịch MO, đến khi dung dịch vừa chuyển sang màu cam thì dừng chuẩn độ. Biết rằng nếu dung dịch chỉ chứa sodium chloride (NaCl) thì có pH bằng 7.
Phát biểu nào sau đây đúng?
1. Có thể cho chất chỉ thị MO vào dung dịch NaOH trong burette thay vì cho vào bình tam giác.
2. Trước khi cho dung dịch NaOH vào burette, cần tráng burette bằng chính dung dịch này.
3. Nồng độ thực tế của dung dịch HCl sẽ lớn hơn nồng độ tính được từ kết quả thí nghiệm trên.
4. Nếu thể tích dung dịch NaOH 0,100 M đã dùng trong 3 lần chuẩn độ lần lượt là 12,90 mL, 13,00 mL, 13,00 mL thì nồng độ dung dịch HCl xác định được trong thí nghiệm này là 0,389 M.
5. Nếu sử dụng dung dịch phenolphthalein thay cho chỉ thị MO trong thí nghiệm trên thì học sinh cần chuẩn độ đến khi dung dịch trong bình tam giác vừa mới mất màu hồng.
Câu trả lời tốt nhất
(1) Sai, không thể cho MO vào dung dịch chuẩn NaOH vì khi đó dung dịch NaOH sẽ không còn chuẩn 0,100M nữa và gây ra sai số.
(2) Đúng, nếu tráng bằng nước thì lượng nước còn dính lại sẽ làm sai lệch dung dịch chuẩn, vì vậy cần tráng bằng chính dung dịch chuẩn.
(3) Đúng, khi dung dịch sang màu cam thì pH đang là 3,2 đến 4,4, vẫn còn dư nhiều acid, vì vậy nồng độ thực tế của dung dịch HCl sẽ lớn hơn nồng độ tính được từ kết quả thí nghiệm trên.
(4) Sai: nHCl = nNaOH ⇔ 10.CM HCl = 0,1(12,90 + 13,00 + 13,00)/3 —> CM HCl = 0,1297
(5) Sai, với cách chuẩn độ như trên (NaOH chuẩn 0,100M trên burette, HCl + phenolphthalein dưới bình tam giác) thì dung dịch vừa có màu hồng nhạt bền trong vài giây thì dừng.