Để xác định nồng độ axit axetic có trong một mẫu giấm ăn, một nhóm học sinh tiến hành thí nghiệm sau:
– Bước 1: Pha loãng 10,00 mL giấm ăn bằng nước cất trong bình định mức được 100,00 mL dung dịch X. Dùng pipet lấy 10,00 mL dung dịch X cho vào bình tam giác rồi thêm vài giọt chất chỉ thị phenolphtalein.
– Bước 2: Tráng sạch buret bằng nước cất, sau đó tráng lại bằng một ít dung dịch NaOH 0,02 M. Lắp dụng cụ như hình bên. Cho dung dịch NaOH 0,02 M vào cốc thủy tinh, sau đó rót vào buret (đã khóa) và chỉnh về vạch 0.
– Bước 3: Vặn khóa buret để dung dịch NaOH trong buret chảy từ từ từng giọt vào bình tam giác đồng thời lắc đều bình. Quan sát đến khi dung dịch trong bình tam giác chuyển từ không màu sang màu hồng bền trong khoảng 20 giây thì dừng lại.
– Bước 4: Ghi lại thể tích dung dịch NaOH đã dùng. Lặp lại thí nghiệm 3 lần.
a) Viết phương trình hóa học của phản ứng xảy ra (dạng phân tử và ion thu gọn).
b) Những dụng cụ thí nghiệm nào ở trên được sử dụng để lấy chính xác các thể tích?
c) Vì sao ở Bước 2 phải tráng lại buret bằng dung dịch NaOH 0,02 M sau khi đã rửa sạch bằng nước cất?
d) Thể tích dung dịch NaOH 0,02 M trong 3 lần thí nghiệm được ghi lại như sau:
……………………….Lần 1…. Lần 2…. Lần 3
Vdd NaOH (mL)…. 37,5……. 37,4…… 37,6
Tính nồng độ mol/L của axit axetic trong mẫu giấm ăn trên.
e) Trong lần thí nghiệm thứ 2, tại thời điểm dung dịch trong bình tam giác đổi màu, thể tích đọc được trên buret là 37,4 mL và có một giọt dung dịch còn treo ở đầu dưới của buret. Một học sinh cho rằng cần lấy giọt dung dịch này vào bình tam giác. Một học sinh khác lại cho rằng nên bỏ giọt dung dịch này. So sánh ảnh hưởng của hai cách làm này đến nồng độ axit axetic tính được từ kết quả thí nghiệm trên.
Câu trả lời tốt nhất
a. Phản ứng:
CH3COOH + NaOH → CH3COONa + H2O
CH3COOH + OH- → CH3COO- + H2O
b. Những dụng cụ thí nghiệm được sử dụng để lấy chính xác các thể tích ở trên gồm bình định mức và buret.
c. Buret sau khi rửa sạch vẫn còn nước bám dính bên trong, nếu không tráng lại bằng dung dịch NaOH thì lượng nước cất còn sót lại sẽ làm loãng dung dịch NaOH 0,02 M cho vào, tăng sai số khi chuẩn độ. Để sai số nhỏ nhất, cần tráng bằng dung dịch NaOH có cùng nồng độ với dung dịch NaOH cho vào sau đó (0,02M)
d.
V trung bình = (37,5 + 37,4 + 37,6)/3 = 37,5 ml = 0,0375 lít
—> nCH3COOH = nNaOH = 0,0375.0,02 = 7,5.10^-4
10 mL X được tạo ra bởi 1 mL giấm (0,001 lít) nên:
CM CH3COOH = 7,5.10^-4 / 0,001 = 0,75M
e.
Giọt cuối cùng còn dính ở đầu buret có rơi xuống hay không rơi xuống bình tam giác đều không ảnh hưởng đến kết quả tính nồng độ CH3COOH vì giọt cuối cùng này đã tính trong 37,4 mL dung dịch NaOH.