Neo Pentan

Các bước tiến hành phản ứng xà phòng hóa chất béo:

» Bước 1: Cho vào bát sứ nhỏ khoảng 1 gam mỡ động vật và 2 – 2,5 ml dung dịch NaOH 40%.

» Bước 2: Đun hỗn hợp sôi nhẹ khoảng 8 – 10 phút và liên tục khuấy đều bằng đũa thuỷ tinh. Thỉnh thoảng thêm vài giọt nước cất để giữ cho thể tích của hỗn hợp không đổi.

» Bước 3: Rót thêm vào hỗn hợp 4 – 5 ml dung dịch NaCl bão hoà nóng, khuấy nhẹ. Để nguội.

Lý thuyết về phản ứng xà phòng hóa:

+ Bước 1 là chuẩn bị nguyên liệu, chưa có phản ứng gì xảy ra và các chất không tan vào nhau. Có thể dùng các chất béo khác để thay thế mỡ động vật như dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu dừa…) miễn là chất béo là được, chứ không dùng dầu hỏa, dầu nhớt (thành phần chính là hiđrocacbon. Về phía kiềm thì có thể thay NaOH bằng KOH, nhưng tuyệt đối không dùng Ca(OH)2, Ba(OH)2.

+ Dùng chất béo khác nhau thì xà phòng có khác nhau không? Có, nếu chất béo no thì xà phòng thu được sẽ rắn hơn, nếu chất béo không no thì xà phòng thu được sẽ nhão hơn. Vì vậy nếu muốn ép sản phẩm thành dạng bánh xà phòng thì nên dùng chất béo no sẽ dễ hơn. Tuy nhiên xà phòng dạng rắn thì tạo ít bọt hơn dạng nhão.

+ Bước 2 bắt đầu tiến hành phản ứng. Vì đây là phản ứng thủy phân nên luôn cần có mặt của H2O. Thật ra chất béo đã tác dụng với H2O trong một cân bằng hóa học, nhưng sự có mặt của NaOH đã trung hòa axit béo vừa tạo ra nên NaOH đã chặn chiều nghịch lại. Vì thế nó là phản ứng một chiều. Quá trình đun H2O sẽ bị cạn dần do bay hơi, vì thế phải liên tục thêm H2O để phản ứng thủy phân tiếp túc xảy ra. Nhưng thêm nhiều quá sẽ làm kiềm bị loãng, phản ứng chậm đi. Một cách định tính có thể quan sát bằng mắt là thêm sao cho thể tích như lúc đầu. Thêm ít cũng làm phản ứng chậm đi và hỗn hợp có thể bị cháy khét.

+ Đun đến khi nào? Làm sao để biết chất béo đã bị thủy phân hết chưa? Ta sẽ lấy 1 giọt hỗn hợp trong bát sứ và nhỏ vào chậu nước, nếu hỗn hợp tan ra, không có váng hoặc có váng không đáng kể là được. Nếu có nhiều váng là do chất béo còn dư nhiều (vì chất béo không tan trong nước). Lúc này cần tiếp tục đun thêm.

+ Bước 3 là tách xà phòng ra khỏi hỗn hợp. Sau khi đun sẽ thu được hỗn hợp sệt, màu trắng đục. Xà phòng có đặc điểm là tan không đáng kể trong nước muối (NaCl). Vì vậy khi thêm dung dịch NaCl bão hòa vào và khuấy đều, xà phòng sẽ tách ra, do có tỉ khối nhẹ hơn nên nổi lên trên. Ta hớt lớp xà phòng này vào giấy thấm và ép lại cho ráo. Xà phòng này còn khá nhiều tạp chất, ta lại tiếp tục cho vào cốc khác đựng dung dịch NaCl bão hòa và khuấy đều để rửa trôi tạp chất, sau đó lại vớt ra và thấm cho ráo. Cứ lặp đi lặp lại vài lần sẽ thu được xà phòng với độ sạch nhất định. Luôn luôn dùng NaCl bão hòa để tránh xà phòng thất thoát trong quá trình lọc rửa.

Lý thuyết bên lề:

+ Xà phòng có thể hòa tan dầu ăn: Phân tử xà phòng có 1 đầu ưa nước (COONa) và 1 đầu kỵ nước (gốc hiđrocacbon) nhưng lại ưa dầu. Khi dung dịch xà phòng tiếp xúc với dầu ăn, đầu ưa nước sẽ nằm trong nước và đầu ưu dầu sẽ nằm trong dầu, qua đó làm giảm sức căng bề mặt và phân tán dầu ăn vào nước. Như vậy thực chất không phải hòa tan dầu ăn mà chỉ là phân tán dầu ăn thành những hạt rất nhỏ làm mắt ta cảm giác giống như đang hòa tan.

+ Xà phòng kết tủa trong nước cứng (chứa Mg2+, Ca2+). Ví dụ:

2C17H35COONa + Ca2+ → (C17H35COO)2Ca↓ + 2Na+

+ Một sản phẩm khác của phản ứng xà phòng hóa là glyxerol C3H5(OH)3, tính chất được hỏi đến chủ yếu là về phản ứng hòa tan Cu(OH)2 tạo phức xanh lam:

2C3H8O3 + Cu(OH)2 → (C3H7O3)2Cu + 2H2O

Neo Pentan đã bình luận